TOP 5 phim hay nhất mọi thời đại về cờ vua

Phim về cờ vua là chủ đề khá hiếm và ít được khai thác bởi các nhà làm phim. Tuy nhiên 5 bộ phim về cờ vua dưới đây phải nói là rất tuyệt vời và có thể sánh ngang các bộ phim chủ đề hay khác. Cùng điểm qua nhé!

1. Computer Chess

Computer Chess nói về giải cờ North American Computer Chess Championship diễn ra vào cuối thập niên 70 và đầu 80 khi con người bắt đầu đưa cờ vua vào máy tính. Mặc dù bộ phim của đạo diễn Andrew Bujalski là giả tưởng, một số chi tiết trong phim có liên quan đến những ván cờ thật và con người thật như David Levy.

Computer chess trailer

Levy là kiện tướng quốc tế người Anh. Năm 1968, ông có đánh cược với những kỹ sư lập trình rằng, không máy tính nào có thể đánh bại ông trong vòng 10 năm. Levy đã thắng trước khi ông thua một máy tính vào năm 1988. Hiện nay, ông là chủ tịch Hiệp hội game máy tính quốc tế và đã viết hơn 40 cuốn sách về cờ-máy tính.

2. Ván Cờ Ngây Thơ (Innocent Moves)

Câu chuyện bắt đầu với tin Bobby Fishcher, vô địch thế giới môn cờ vua đột nhiên biến mất. Mọi người xôn xao phỏng đoán lý do. Thời gian này, Josh Waitzkin, cậu bé 7 tuổi bắt đầu làm quen với cờ vua. Cach thi đấu thông minh của Josh khiến mọi người liên tưởng đến kỳ thủ thế giới đã mất tích.

Biết được điều này, cha Josh đã đưa em đến xin học chơi cờ với một thầy dạy cờ danh tiếng nhất. Josh liên tục giành được hết huy chương này đến giải thưởng khác. Điều này làm cho cha Josh từ động cơ muốn giúp con phát triển khả năng thiên phú về cờ vua dần dần bị lôi cuốn vào con đường chinh phục danh vọng. Ông tách rời Josh khỏi môi trường bình thường, chuyển Josh sang học ở trường dành đào tạo các kỳ thủ, đưa con đi tham dự hết giải này đến giải khác ở khắp các tiểu bang của Mỹ.

Từ đây, việc chơi cờ với Josh không còn là niềm vui mà đã trở thành gánh nặng về tâm lý. Là một đứa bé nhân hậu và nhạy cảm, Josh đọc được sự sợ hãi bị thua cuộc trong mắt đối thủ, sự sợ hãi bị thua cuộc chính trong lòng mình, em hoàn toàn không còn thấy hứng thú gì trong việc thi đấu nữa. Nhưng vì tình yêu với cha, Josh đã tiếp tục học chơi cờ với một tâm trạng hỗn loạn. Vừa lo lắng sợ bị thất bại, vừa thương cảm cho những người thất bại, Josh hầu như đã cố tình thua khi thi đấu.

Những biểu hiện rối loạn về tâm lý của Josh cuối cùng đã làm cho cha mình và thầy dạy chơi cờ nhận ra một điều: khi biến trò chơi với tình yêu và niềm vui thích trở thành phương tiện để đạt lấy danh vọng, con người đã tự huỷ hoại tâm hồn mình, biến mình thành một công cụ, phục vụ cho ham muốn. Nếu chiến thắng thì trở nên cô độc, nếu thất bại thì khủng hoảng triền miên và chết dần mòn trong đau khổ, dằn vặt.

Phim nói về trẻ em nhưng có tính triết lý sâu sắc, thoại hay, diễn viên diễn xuất tốt. Qua phim, mỗi người có thể rút ra những thông điệp khác nhau về cuộc sống như là sự tráo trở của vinh quang hay mặt trái của con đường danh vọng… Đứng ở góc độ giáo dục, phim như muốn nhắc nhở chúng ta hãy gìn giữ, nuôi dưỡng sự trong sáng thiên bẩm trong tâm hồn trẻ thơ. Trong chừng mực nào đó, điều này không những giúp chúng sống hạnh phúc mà còn làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Đao diễn: Steven Zaillian
Diễn viên chính: Max Pomeranc trong vai cậu bé thiên tài Josh Waitzkin
Ben Kingsley trong vai thày dạy chơi cờ.

3. Nữ hoàng của Katwe (Queen of Katwe)

Queen of Katwe được đạo diễn Ấn Độ Mira Nair dàn dựng theo cuốn sách cùng tên viết về Mutesi của nhà văn Mỹ Tim Crothers.

Phim là câu chuyện cuộc đời của Phiona Mutesi (18 tuổi), từ lúc cô không được đến trường, phải đi bán ngô cùng mẹ trên đường phố Uganda, cho tới khi trở thành đại kiện tướng cờ vua hàng đầu thế giới.

4. Brooklyn Castle

Nhắc đến trường lớp, ai cũng nghĩ tới học hành chính quy, thầy cô dạy các bộ môn toán lý hóa văn… Nhưng đôi khi môn ngoại khóa lại là thứ giúp thầy cô và nhà trường gắn kết với các em, hiểu các em nhiều hơn. 

Đạo diễn Katie Dellamaggiore biết điều đó, nên bộ phim tài liệu Brooklyn Castle của cô kể về một hoạt động ngoại khóa ít người để ý tới: cờ vua. Chính ở bộ môn này mà tính cách, tâm huyết của người thầy, cũng như tố chất riêng của từng em học sinh hiện ra rõ ràng nhất.

Mọi việc diễn ra tại I.S. 318 – ngôi trường công lập ở Brooklyn, Mỹ – nơi 65% gia đình có con đi học ở đây thuộc diện nghèo, với mức thu nhập dưới trung bình, và đa số học sinh là người da đen. Nhưng nhờ đội ngũ giáo viên và các hoạt động sau giờ học – đặc biệt là câu lạc bộ cờ vua – mà trường I.S đã hun đúc nên bao con người có ích cho xã hội.

Lúc bộ phim bắt đầu, đội cờ vua của trường I.S đang nằm trong thời kỳ vàng với nhiều thành tích, giải nhất giải nhì quốc gia. Nhưng đây cũng là lúc I.S bị chính phủ cắt mất một phần trợ cấp vì suy thoái kinh tế. Phần trợ cấp này không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động học tập chính quy, nhưng sẽ đem đến vô và khó khăn cho các hoạt động ngoại khóa – trong đó có cờ vua.

Nhiều người sẽ nghĩ “Ôi giời, cờ vua quan trọng gì.” Nhưng đối với các giáo viên và các học sinh của I.S, cờ vua mang nhiều ý nghĩa rất lớn. Đạo diễn Katie giúp người xem hiểu ra điều đó bằng cách ghi lại câu chuyện của 5 em học sinh khác nhau của tổ cờ vua: Justus, Patrick, Rochelle, Alexis, và Pobo. Lâu lâu Katie có quay ống kính sang một học sinh khác, nhưng cô luôn giữ tập trung vào 5 em này để khán giả không bị xao lãng. Cái tốt nói chung khi tham gia câu lạc bộ như cờ vua sau khi kết thúc buổi học chính quy dễ hiểu rồi: gia đình nghèo của Brooklyn thường xuyên có những ông bố bà mẹ phải làm việc đến tối, nếu thầy cô thả mấy bé về nhà sau giờ học, căn nhà chẳng có ai, mấy bé rất dễ lêu lổng. Còn nếu các em ở lại sinh hoạt với thầy cô và các bạn thì sẽ bổ ích hơn, an toàn hơn. Nhưng ngoài cái lợi chung, cái lợi riêng mà môn cờ vua đem lại cho từng cá nhân là gì?

Justus là một tài năng cờ vua bẩm sinh, theo các chuyên gia thì cậu bé có tiềm năng trở thành kiện tướng da màu nhỏ tuổi nhất, thậm chí có thể đạt được danh hiệu đại kiện tướng nữa. Hiện thế giới chỉ có một đại kiện tướng da màu, Justus mà thành công thì bé sẽ trở thành người thứ hai – một chiến thắng không nhỏ với cộng đồng người da màu nói chung và trường I.S nói riêng. Tất nhiên gia đình Justus không dư giả để gửi bé đi tập huấn ở nơi nào đặc biệt, họ chỉ dám hy vọng rằng trường công I.S sẽ giúp bé biến ước mơ của mình thành hiện thực. Và hành trình của Justus – cũng như những thầy cô đã nâng đỡ bé – mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả. Ai cũng cho rằng nếu đứa bé nào đấy là thiên tài thì mọi thứ sẽ đến theo kiểu thật dễ dàng, nên lúc Justus xuất hiện – nhỏ xíu nhưng mạnh mẽ, đầy tự tin, như thể cờ vua là thiên bẩm – người xem rất dễ bị hớp hồn và đặt kỳ vọng vào cậu. Để rồi họ dần phát hiện ra rằng nuôi dưỡng lẫn duy trì cái tài năng đó là việc không hề đơn giản.

Rochelle cũng thuộc loại có tài chẳng kém gì Justus, cô bé ấp ủ ước mơ trở thành nữ kiện tướng da màu đầu tiên. Nhưng nguyện vọng lớn nhất của cô bé là giành được học bổng do mẹ của bé là dân lao động nghèo. Bé có đậu vào trường nọ trường kia thì mẹ bé cũng chẳng thể kiếm nổi tiền trả học phí, thế nên Rochelle phải cố gắng hết mình hòng thắng các giải cờ vua lớn của quốc gia, giành suất học bổng mà các trường danh tiếng thường trao cho các tuyển thủ cờ vua đạt thứ hạng xuất sắc.

Cậu bé Alexis là con của một cặp vợ chồng nhập cư, và trong 5 nhân vật đạo diễn Katie tập trung bám theo hòng quay phim, tôi nghĩ khán giả Việt Nam sẽ có cảm tình với Alexis nhất. Cậu chơi cờ giỏi, dù cậu cũng hiểu rằng về lâu về dài mình sẽ không giỏi như Justus hay Rochelle. Nhưng Alexis cố gắng vừa chơi cờ vừa học tốt vì cậu biết rằng bố mẹ mình nghèo, thật không khỏi xúc động khi Alex lúng búng hỏi bố mẹ về việc học đại học, do cậu biết rằng nhà mình chẳng có tiền, hay là cậu đi học nghề. Và không cầm được lòng khi bố mẹ Alexis khóc bảo cậu bé cứ nhắm vào đại học đi, họ làm việc quần quật chỉ để con mình có tương lai tốt hơn mình. Alex mới mếu máo quả quyết rằng “Con sẽ thành bác sĩ, luật sư để nuôi bố mẹ.” Cậu hy vọng với thành tích chơi cờ vua, nếu không tìm được học bổng thì cậu vẫn có thể dùng kỹ năng đó đi dạy thêm. Và cờ vua giúp cậu tự tin vì chỉ cần chơi giỏi là cậu sẽ được công nhận, còn màu da hay xuất xứ của cậu không còn là thứ quan trọng nữa.


Alexis và mẹ đến trường để bàn với thầy cô về việc học của cậu bé. Bà mẹ phát hiện ra rằng Alex có ý theo trường nghề để tiết kiệm tiền cũng như đi làm sớm để giúp gia đình. Nhưng thầy cô biết cậu là người thông minh, có tiềm năng học cao hơn.

Trái với các tuyển thủ đầy tài năng, cậu Patrick lại là người chơi cờ thuộc hàng kém nhất trường. Patrick mắc hội chứng ADD (rối loạn tập trung) và bé gặp khó khăn trong việc học lẫn việc chơi. Đánh 6 bàn thì không chừng Patrick sẽ thua hết 6. Vậy mà thầy cô chưa bao giờ bỏ cuộc với Patrick, họ kèm em học, chơi cờ riêng với em và trò chuyện để giúp em hiểu rằng mình cần tính toán đường đi của mỗi quân như thế nào. Đối với họ, việc Patrick thua nhiều không quan trọng bằng chuyện em tự mình thắng một số ván nhỏ. Mẹ Patrick một nách nuôi con, bà không có khả năng đưa bé đi điều trị lâu dài ở những cơ sở sang trọng. Nhưng chính tại trường I.S với cờ vua là hoạt động miễn phí, Patrick dần tìm thấy sự tự tin, rèn luyện cách giải quyết rắc rối, và khán giả nhận ra rằng cậu hoàn toàn có thể trở thành một tuyển thủ đầy tiềm năng lẫn một người có ích, với nghề nghiệp bình thường như bao bạn khác. Patrick cố gắng tập trung suy nghĩ trong từng trận đấu – dù cậu thua nhiều hơn thắng.

Công của thầy cô ở I.S rất là lớn, đạo diễn đã bám theo lúc họ họp hành, bàn bạc để cho khán giả thấy giáo viên ở trường phải làm gì. Ngoài dạy dỗ, để ý đến từng em một – trong đó có những em cần giúp đỡ bội phần như Patrick – họ phải tính toán đủ thứ khi đối diện với ngân sách hụt. Trường phải cắt giảm gì đây để bù một phần nhằm duy trì hoạt động ngoại khóa? Trường không còn tiền để mà trang trải tàu xe, chỗ trọ để đưa tổ cờ vua đi khắp nước tham gia hết các giải đấu nữa; vậy giải nào họ sẽ tham gia, giải nào họ phải bỏ? Liệu có nên bỏ 2 giải nhỏ để thi đấu ở một giải lớn hơn? Thầy cô còn họp nhau tổ chức hoạt động gây quỹ, họ vui vẻ biến mình thành một phần của “trò chơi”, ngồi trên bể nước và bán vé để những ai tham gia (kể cả học sinh hoặc gia đình học sinh) cầm banh chọi mình, biết rõ rằng nếu chọi trúng thì họ sẽ rơi vào bể nước, ướt nhẹp, khiến ai nhìn thấy cũng phá ra cười.

Nhưng đáng xem nhất chính là lúc đạo diễn ghi lại cảnh thầy cô… không làm gì cả, mà để cho học sinh tự làm. Katie và nhà sản xuất Scott Rudin là những người hiểu rõ môn cờ vua hơn ai hết – Scott từng tham gia sản xuất bộ phim về cờ vua Searching for Bobby Fischer vốn rất nổi tiếng. Scott với Katie biết tỏng rằng thầy cô hay huấn luyện viên có cố cỡ nào đi nữa, cuối cùng chính các em học sinh mới là người thắng từng ván cờ của mình. Thế nên ngoài Alexis, Rochelle, Justus, và Patrick, đạo diễn còn bám theo em Pobo để ghi lại câu chuyện của cậu bé.

Pobo từng nằm trong danh sách học sinh cá biệt, hay lêu lổng chơi bời, hỗn láo với thầy cô. Nhưng sau khi tham gia câu lạc bộ cờ vua, Pobo nhận thấy rằng mình thích môn này. Dù không phải tuyển thủ giỏi nhất, Pobo tràn trề năng lượng và rất hoạt bát nên các bạn bầu cậu làm thủ lĩnh. Sau khi thấy trường mình bị cắt ngân sách, Pobo quyết định tham gia cuộc đua bầu hội trưởng hội học sinh. Cậu tự làm “poster bầu cử” rồi in ra, tự đi vận động cử tri, hứa rằng nếu mình trở thành khối trưởng cậu sẽ giúp vận động gây quỹ, tổ chức diễu hành để bù đắp ngân sách cho trường. Thầy cô của I.S vừa giúp đỡ vừa để cho Pobo tự quyết định nhiều thứ, cậu bé thích việc này đến nỗi cậu nói rằng lớn lên mình sẽ theo đuổi chính trị, và trở thành Tổng thống. Pobo còn mạnh dạn tìm email của Thống đốc bang New York và gửi thư phản ánh về quyết định cắt ngân sách mà thành phố ban hành.

Thế Pobo có trúng cử không? Liệu cậu sẽ giúp bù được bao nhiêu phần ngân sách cho các hoạt động ngoại khóa? Justus có trở thành kiện tướng cờ vua da màu trẻ tuổi nhất? Rochelle có thắng được học bổng? Hay liệu Patrick có vượt qua hội chứng ADD để tiến bộ trong học tập cũng như trong môn cờ vua? Tất nhiên xem phim thì ta mới biết được kết quả. Nhưng ngoài kết quả ấy ra, người xem còn có dịp mở mắt để thấy rằng một ngôi trường công toàn con nhà nghèo có thể đạt được những gì nếu có đội ngũ giáo viên tâm huyết – những người không chỉ quan tâm đến việc học, mà còn chú trọng giúp đỡ học sinh trong các hoạt động ngoại khóa lành mạnh.

5. The Dark Horse

The Dark Horse là câu chuyện về một cựu vô địch cờ vua tốc độ người Maori, người phải “vượt qua định kiến ​​và bạo lực trong trận chiến để cứu câu lạc bộ cờ vua đang gặp khó khăn của mình, gia đình và cuối cùng là bản thân”. Genesis Potini mắc chứng rối loạn lưỡng cực; cháu trai Mana ( Boy’s James Rolleston) phải đối mặt với việc bị ép vào một băng đảng. Cliff Curtis gần như không thể nhận ra đã được quốc tế ca ngợi là Potini. Phim thứ hai được hoan nghênh của James Napier Robertson đã được chọn để khai mạc Liên hoan phim Auckland và Wellington năm 2014, đồng thời ghi được sáu giải Moa, bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn, Nam diễn viên chính và Nam diễn viên phụ.