Nuôi dạy con tích cực: Một trong những cách dạy con tốt nhất

Ngày nay, có rất nhiều cách để nuôi dạy con cái. Nhưng sau khi làm việc với hàng ngàn gia đình, việc nuôi dạy con cái tích cực là một trong những cách hiệu quả nhất.

Nuôi dạy con tích cực: Một trong những cách dạy con tốt nhất. Ảnh: CNBC.
Nuôi dạy con tích cực: Một trong những cách dạy con tốt nhất. Ảnh: CNBC.

Nuôi dạy con tích cực, có nghĩa là tiếp cận với con cái dựa trên sự đồng cảm, bao gồm các kỹ thuật như khen ngợi hay thông cảm thay vì la hét, hay xúc phạm.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu cho biết khi cha mẹ liên tục cằn nhằn hay la mắng, họ thường sẽ cảm thấy tức giận rồi cảm thấy tội lỗi. Ngay cả bọn trẻ, chúng cũng sẽ có những cảm giác như ba mẹ, rồi tiếp tục sẽ có các hành vi sai trái.

Dạy con tích cực là gì ?

Cách dạy con cái một cách tích cực đã không còn gì xa lạ nữa. Xuất hiện từ những năm 20 thế kỷ trước, nhưng mãi tới những năm 90 mới thực sự phát triển khi nhà tâm lý học người Mỹ có tiếng Martin Seligman phổ biến về lĩnh vực tâm lý học tích cực.

Cha mẹ thực hiện cách nuôi dạy con cái tích cực sẽ không sử dụng hình phạt khắc nghiệt để điều chỉnh hành vi sai trái. Thay vào đó, họ chủ động đáp ứng các nhu cầu của con mình thông qua các tương tác tích cực.

Việc này thậm chí còn ngăn chặn những hành vi xấu xảy ra ngay từ đầu.

Theo Caley Arzamarski, người đề xuất phương pháp nuôi dạy con tích cực và nhà tâm lý học chuyên trị liệu cho trẻ em, việc nuôi dạy con cái tích cực về cơ bản khuyến khích cha mẹ “biến con trở thành đứa trẻ ngoan” và đưa ra nhiều phản hồi tích cực thay vì chỉ để tâm tới hành vi xấu.

Tại sao các nhà tâm lý học ủng hộ phương pháp dạy con tích cực

Một số cha mẹ lo rằng việc nuôi dạy tích cực là quá phiến diện, cho rằng trẻ em sẽ không học cách giải thích và phản ứng với những cảm xúc tiêu cực nếu như cha mẹ không giúp chúng nhìn nhận nó, điều này có thể không giúp ích cho chúng trong cuộc sống sau này.

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng việc nuôi dạy tích cực có thể thúc đẩy sự tự tin của con cái và cung cấp cho chúng những công cụ cần thiết hơn để đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Nó cũng nuôi dưỡng lòng tự trọng, sự sáng tạo, niềm tin vào tương lai và khả năng hòa đồng với những người khác.

Tất nhiên, không cha mẹ nào là hoàn hảo cả. Karin Coifman, một nhà tâm lý học tại Đại học Kent State, người nghiên cứu tầm quan trọng của cảm xúc thừa nhận việc liên tục tạo ra sự tích cực là không hề thực tế, đặc biệt là với những đứa trẻ ưa sự thử thách.

Cách để luyện tập phương pháp này

1. Dành thời gian riêng tư với con

Thường xuyên dành thời gian với con và làm gương cho những hành vi tốt đẹp là cách tốt nhất để giúp con phát triển sự tự tin và các mối quan hệ lành mạnh.

Chỉ cần 10-15 phút mỗi ngày để nói chuyện với con sẽ cho chúng ta thấy sự cải thiện. Thỏa mãn những khoảnh khắc kết nối cũng sẽ giúp tạo ra một mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa hơn.

2. Sử dụng phương pháp “khi-thì”

Đặt ra kỳ vọng rõ ràng là khía cạnh cốt lõi của việc nuôi dạy con cái tích cực. Bạn nên sử dụng phương pháp “khi-thì” để khuyến khích những hành vi tốt đẹp trong những thời điểm khó khăn nhất trong ngày.

Giải thích cho con bạn rằng khi hoàn thành phần việc khó chịu nhất của một nhiệm vụ đầy khó khăn thì những điều tuyệt vời sẽ tới. Ví dụ, họ có thể sử dụng iPad hay ra ngoài chơi sau những hoạt động buổi sáng (đánh răng, ăn sáng…), nếu như đủ thời gian trước khi đến trường.

Tuân thủ cách làm này, con của bạn sẽ nhanh chóng học cách tự mình giải quyết vấn đề mà không phàn nàn gì cả.

3. Nói “không” với phần thưởng

Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được thưởng thường xuyên sẽ có xu hướng không hứng thú với những hoạt động mà chúng được thưởng, kể cả là tập luyện âm nhạc hay chơi với anh chị em. Chúng sẽ quan tâm hơn với những phần thưởng điều đó có nghĩa bạn sẽ phải liên tục thưởng để duy trì chất lượng hành vi của con.

Sử dụng lời nói sẽ là cách tốt để khuyến khích con. Nhưng hãy hạn chế những cụm từ ám chỉ tới tính cách của con như “Con thật thông minh” hay “Con là cầu thủ giỏi nhất nhóm”.

Thay vào đó, hãy khen ngợi hành động cụ thể. Ví dụ, nếu con tỏ ra lo lắng cho ai đó buồn, hãy chỉ ra đó là điều con làm đúng: “Thật tốt khi con hỏi bạn con có ổn không”.

4. Nói “có” với những hậu quả thích hợp

Khi trẻ bắt đầu biết hành động, việc giải quyết các hậu quả có thể biến những lựa chọn không tốt thành những cơ hội để học hỏi

Chỉ cần chắc chắn rằng:

·   Hậu quả đó là công bằng và thích hợp

·   Trẻ có khả năng giải quyết hậu quả

·   Bạn nói trước về hậu quả đó (khiến nó ít giống như một hình phạt hơn)

Ví dụ, nếu con bạn không đi ủng khi trời mưa, chúng sẽ nhận hậu quả: tất bị ướt và con sẽ cảm thấy không thoải mái với đôi chân ướt cả ngày.

Điều này sẽ làm cho con bạn tự mình đưa ra quyết định đúng đắn.

5. Tập trung vào phản ứng của mình

Không phải lúc nào bạn cũng sẽ kiểm soát hành vi của con, nhưng bạn cần phải kiểm soát phản ứng của mình. Tư duy này có thể giúp trẻ đảm nhận những trách nhiệm nếu bạn không cằn nhằn con.

Bạn có thể nói, ví dụ như: “Bố/Mẹ sẽ thêm một món ăn nhẹ cho bữa trưa của con, chỉ khi hộp cơm trưa của con đã hết và được rửa sạch”. Rồi bạn hãy giúp con ghi nhớ trách nhiệm của mình và rồi làm theo (có thể gợi ý bằng giấy nhớ hoặc bằng những cách khác).

Nuôi dạy con cái tích cực là tất cả về việc nuôi dưỡng các mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau trên những kỳ vọng rõ ràng. Khi trẻ cảm thấy mối liên hệ mạnh mẽ của mình với cha mẹ, chúng có nhiều khả năng sẽ cư xử phù hợp và lớn lên chúng sẽ trở nên tự tin, quan tâm và trưởng thành hơn.

Nguồn: Sưu tầm