Dạy trẻ học bằng 2 bán cầu não
Khi dạy trẻ một từ tiếng Anh như hoa (flower), cha mẹ hãy khuyến khích bé liên tưởng đến khu rừng, bướm, ong… Đây là cách tạo ra sự kết nối giữa hai bán cầu não, giúp bé ghi nhớ tốt hơn.
Các chuyên gia đến từ tổ chức giáo dục Adam Khoo Learning Centre cho biết, việc sử dụng cả 2 bán cầu não cùng lúc có thể tăng gấp nhiều lần năng lực não bộ trong hoạt động hàng ngày cũng như học tập. Cuộc khảo sát do tổ chức này thực hiện nhận thấy chìa khóa giúp học sinh ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thông minh và thành công vượt trội chính là nhờ biết cách điều khiển cả 2 bán cầu não khi học tập và nghiên cứu.
Bán cầu não trái với chức năng suy nghĩ logic, phân tích, lý giải, ghi nhớ, sắp xếp, tính toán. Bán cầu não phải gắn liền với khả năng sáng tạo, tưởng tượng, trực cảm cao. Thực tế hiện nay, 90% các môn học tại trường phổ thông đòi hỏi trẻ sử dụng bán cầu não trái nhiều. Trong trường hợp một đứa trẻ thuộc tuýp mạnh về bán cầu não phải thì khả năng tiếp thu của bé sẽ bị hạn chế nếu được dạy bằng phương pháp thông thường. Khi đó bé sẽ bị phê bình là “Tiếp thu chậm” hoặc “Kém thông minh vì điểm Toán thấp”…
Thông thường, một người chỉ sử dụng hết 5% dung lượng não trái, còn ở các nhà thông thái là 10%. Người càng lười đọc sách, ngại tìm tòi học hỏi sẽ không tận dụng hết năng lực của não bộ, dẫn đến hệ lụy là tư duy kém, suốt ngày quanh quẩn với những chuyện vặt vãnh, suy nghĩ tiêu cực. Trong khi những người thành đạt hầu hết đều có khả năng vận dụng tốt cả 2 bán cầu não. Ở họ hội tụ cả khả năng tư duy logic, hợp lý, sắp xếp tính toán giỏi, nói năng sắc sảo, trình bày lưu loát, viết hay và có nhân cách tốt.
Cuộc nghiên cứu của tổ chức Adam Khoo Learning Centre còn ghi nhận Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng thành công phương pháp “Whole Brain Learning” giúp thắp sáng cả 2 bán cầu não. Giới chức giáo dục của đất nước này luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực và đã thành công trong việc đào tạo một đội ngũ nhân sự trí tuệ, hùng mạnh giúp quốc đảo Singapore nhỏ bé vươn lên “hóa rồng” như hiện nay.
Cách riêng, các chuyên gia giáo dục cho rằng phương pháp Whole Brain Learning phát huy hiệu quả rất cao nếu biết cách áp dụng trong việc học từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh thông qua các bước như sau:
– Visualization (nâng cao sức mạnh của sự hình dung): Khi học một số từ mới, trẻ phải hình dung những gì liên quan đến từ đó. Chẳng hạn như, học về đồ vật trong nhà (household items), trẻ cần hình dung đến bức tường (wall), bóng điện (light), cái bàn (table), chìa khóa (key)… Lối tư duy này sẽ giúp tạo kết nối giữa hai bán cầu não, đồng thời gia tăng liên kết nơron trong não, giúp bé ghi nhớ tốt hơn.
– Association (tăng cường khả năng tư duy kết nối). Bé sẽ làm quen với việc liên kết các hình ảnh lại với nhau nhằm tăng tính logic, khả năng sáng tạo. Chẳng hạn: Đặt một hình tam giác (triangle) lên trên một hình vuông (square) sẽ thành một ngôi nhà (house)… Thực hành và rèn luyện cách này thường xuyên sẽ giúp các em tăng cường khả năng tư duy một cách hệ thống và chặt chẽ hơn.
– Imagination (thúc đẩy khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng). Trí tưởng tượng mạnh mẽ giúp bé tạo ra dấu ấn từ những gì mình học, từ đó hình thành khả năng ghi nhớ sâu và lâu hơn. Hãy khuyến khích trẻ tưởng tượng và liên kết những gì liên quan đến cuộc sống xung quanh đồng thời làm nó trở nên sống động hơn khi học. Ví dụ: Tôi là một phi công (I’m a pilot). Tôi đang làm việc (I’m at work). Tôi có thể nhìn thấy mọi thứ trên trái đất (I can see everything on the earth). Tôi rất hạnh phúc (I’m very happy)…
– Thúc đẩy khả năng làm chủ trước đám đông thông qua kỹ năng thuyết trình, thảo luận nhóm. Đây là bước giúp bé chuyển thể những gì đã học trở nên cụ thể và rõ ràng hơn bằng những diễn đạt kết hợp đồng bộ bởi ngôn ngữ hình thể, âm điệu và ngôn từ. Từ đó kiến thức sẽ được đưa vào sâu hơn trong não các em, giúp tăng cường khả năng phản xạ và giao tiếp tiếng Anh một cách tự nhiên.
Nguồn ST internet